Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

TÌM HIỂU VỀ CÁC THỦ TỤC KẾT HÔN VỚI NGƯỜI HÀN QUỐC

TÌM HIỂU VỀ CÁC THỦ TỤC KẾT HÔN VỚI NGƯỜI HÀN QUỐC

Luật hôn nhân ở Hàn Quốc có quy định không được lấy nhau trong vòng 8 đời. Nhưng theo định kiến của các bậc cao tuổi, hai người có cùng họ cũng không được lấy nhau. Ví dụ như một anh họ Park ở Seoul có thể gặp và yêu một cô ở Busan nhưng có khả năng họ sẽ không thể tiến tới hôn nhân chỉ bởi người yêu anh cũng có cùng họ là Park. Dần dần cuộc sống hiện đại, có nhiều đôi uyên ương dũng cảm bỏ qua quan niệm có phần cổ hủ này để đến với nhau. Nhưng đại đa số người Hàn Quốc vẫn chưa vượt qua được nỗi "ám ảnh" khi gặp những người cùng họ - bởi biết đâu đó có thể là họ hàng từ…mấy đời trước của họ
Các thủ tục trước khi tiến hành lễ cưới

Do cùng ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên những "thủ tục" trước khi tiến hành lễ cưới của Hàn Quốc và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với nhau. Đầu tiên, gia đình chú rễ sẽ làm lễ "dạm ngõ" tới nhà cô dâu, lễ này tiếng Hàn gọi là 함 받는 날.

Những lễ vật cần chuẩn bị trong ngày "dạm ngõ" ở Hàn Quốc, kết hôn với người nước ngoài

Ở Việt Nam, sau lễ ăn hỏi sẽ tiến hành Lễ vu quy diễn ra tại nhà gái, tiễn cô dâu đi lấy chồng và Lễ thành hôn – chỉ lễ cưới chính thức tại nhà trai. Ở Hàn Quốc, những thủ tục này đã được lược giản đi rất nhiều. Chỉ có những nhà có điều kiện và trọng hình thức mới tổ chức lễ đính hôn (약혼식) trước khi tiến hành lễ cưới chính thức
Trách nhiệm "đóng góp" của cô dâu chú rể

Để chuẩn bị cho lễ cưới, cả cô dâu và chú rể đều phải chuẩn bị 예물 (lễ vật hay còn gọi là quà tặng để tặng cho các thành viên cho gia đình hai bên). Do tư tưởng trọng nam khinh nữ nên trong xã hội phong kiến xưa, các cô dâu khi về nhà chồng nhiều khi phải chịu gánh nặng về 예물 vì phải chuẩn bị 금품 (đồ trang sức vàng bạc) và vải quý cho họ hàng nhà chồng. Có nhiều khi vì cô dâu không chuẩn bị 예물 được theo đúng yêu cầu, mong đợi của nhà chồng mà bị bố mẹ, họ hàng nhà chồng khinh ghét, dèm pha. Ngày nay, quan niệm về 예물 đã trở nên thoáng hơn, nhiều khi cô dâu chú rể có thể thỏa thuận trước với nhau một khoản tiền sau đó chia ra làm quà cho mọi người trong gia đình.

Để lo cho cuộc sống của cả hai người, người Hàn Quốc từ xưa có quan niệm phân chia: chồng lo mua nhà, vợ lo sắm sửa đồ đạc, nội thất trong nhà. Nhưng gần đây, quan niệm này cũng có phần bị biến đổi nhiều. Khi đặt câu hỏi "Sự phân chia trách nhiệm thế nào là hợp lý cho vợ chồng mới cưới" cho 300 đối tượng nam nữ đang chuẩn bị kết hôn, một công ty môi giới hôn nhân đã công bố các kết quả khảo sát vô cùng thú vị:

Gần một nửa nam giới (46%) đồng ý với quan điểm: Cả vợ chồng cùng chung tiền để mua nhà và chuẩn bị đồ đạc, nội thất cho cuộc sống mới. 31% Nam giới muốn: Chồng mua nhà và vợ chuẩn bị đồ đạc, nội thất. 13% có suy nghĩ cởi mở hơn khi nghĩ: Người có điều kiện hơn có thể chịu trách nhiệm nhiều hơn. 10% lại có suy nghĩ "ngược đời" : Vợ mua nhà, chồng mua nội thất!.

Kết quả điều tra của phía nữ giới lại cho kết quả hoàn toàn trái ngược. 42% nữ giới cho rằng : Chồng lo nhà, vợ lo của hồi môn là hoàn toàn hợp lý. 18% lựa chọn phương pháp cả hai người cùng lo tiền để chuẩn bị mọi thứ cho cuộc sống chung. 19% cho rằng: Người có điều kiện hơn nên gánh phần trách nhiệm nhiều hơn. 11% lại đồng ý với quan điểm: Vợ mua nhà, chồng mua nội thất.
Người Hàn Quốc kết hôn vào lúc bao nhiêu tuổi:

Năm 1997, độ tuổi kết hôn trung bình của người Hàn Quốc là: nam 28,6 tuổi và nữ 25,7 tuổi. Năm 2007, độ tuổi kết hôn trung bình của người Hàn Quốc là: nam 31,1 tuổi và nữ 28,1 tuổi. So sánh trong vòng 10 năm, độ tuổi kết hôn trung bình của người Hàn Quốc đã tăng cao đáng kể.
Người Hàn Quốc tổ chức lễ thành hôn ở đâu?

Ở Hàn Quốc, nơi tổ chức lễ thành hôn được gọi là 예식장 hay gần đây được gọi theo tiếng Anh là 웨딩홀 (wedding hall). Tùy theo điều kiện của từng gia đình, người Hàn Quốc còn có thể tổ chức lễ cưới tại các Hội trường của các tòa nhà công cộng hay tổ chức lễ cưới ngoài trời. Hoặc những người theo tôn giáo có thể tổ chức tại nhà thờ hoặc đền chùa.

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài của buổi lễ thành hôn:

Khi nghi thức kết hôn bắt đầu, trước tiên cha mẹ hai bên thắp nến lên đài chính. Sau đó theo lời gọi "tân lang nhập đường" chú rể bước vào lễ đường một cách mạnh mẽ. Tiếp theo, cùng lời hô "tân nương nhập đường" nhạc đêm piano từ đàn vang lên, cô dâu nắm tay cha mình cùng bước vào lễ đường. Cô dâu và chú rể đứng đối mặt và cùng cúi lạy nhau, cùng nguyện thề sẽ yêu thương và kính trọng nhau đến khi đầu bạc răng long.

Sau đó, chủ lễ sẽ phát biểu cầu mong hai người sẽ thương yêu nhau, tôn kính cha mẹ và sống thật hạnh phúc rồi hướng dẫn cô dâu chú rể hướng tới khách mời và cúi đầu chào. Cuối cùng, trong tiếng hô và vỗ tay chúc mừng của mọi người, cô dâu chú rể sẽ cùng bước những bước rắn rỏi đầu tiên của cuộc sống tân hôn.

Khi lễ cưới kết thúc, khách mời đến chúc mừng lễ thành hôn sẽ đến phòng tiệc lại mặt để dùng bữa. Nhưng cô dâu chú rể không đến phòng tiệc ngay mà di chuyển đến phòng làm lễ vấn danh (tiếng Hàn gọi là 폐백).

Trước tiên, cô dâu chú rể vái lạy bố mẹ chồng và rót rượu mời trước bàn làm lễ vấn danh được chuẩn bị sẵn. Sau đó, bố mẹ chồng sẽ tung đầy táo tàu vào vạt váy xòe rộng của cô dâu cầu nguyện cho con đàn cháu đống.

Cũng tại đây, cô dâu và chú rể cúi chào họ hàng và nhận được những lời chúc hạnh phúc. Ngày nay cũng có trường hợp cùng vái chào bố mẹ của cô dâu tại lễ vấn danh nhưng không thể nói đây là hiện tượng được phổ biến hóa. Điều nay cho thấy tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn đọng lại trong xã hội Hàn Quốc. Sau khi kết thúc lễ vấn danh, cô dâu chú rể đến phòng tiệc để chào cảm tạ khách mời.
Người Hàn Quốc đi tuần trăng mật ở đâu? 

Từ những năm 1990 trở về trước, các cặp vợ chồng mới cưới thường đi đảo Jeju nhưng do sự dư dả về mặt kinh tế nên việc du lịch nước ngoài ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Các địa điểm thường được các đôi uyên ương Hàn Quốc lựa chọn là: Châu Âu, Mondiver, Thái Lan, Philippin, Gwam, Úc và New Ziland.

Bãi biển và ánh nắng ấm áp cùng thiên nhiên chan hòa - đó là sự lựa chọn số một cho tuần trăng mật.
Khách mời tặng quà gì cho cô dâu và chú rể?

Nhìn chung, việc mừng cưới ở Hàn Quốc giống với Việt Nam ở chỗ quà cưới bằng phong bì tiền chiếm đa số trong các lễ cưới. Tiền mừng cho cô dâu chú rể được gọi là 축의금 và số tiền thường là 30.000, 50.000, 70.000 won ứng với các con số lẻ. Trong trường hợp đặc biệt có thể mừng 100.000 hoặc 200.000 won ứng với đơn vị 10.
Khi được mời đến nhà của vợ chồng mới cưới cần chuẩn bị những gì?

Người ta thường mua và mang đến những món quà nhẹ nhàng như giấy vệ sinh hay xà phòng giặt. Giấy vệ sinh có ý nghĩa chúc cho mọi việc sẽ đều diễn ra suôn sẻ như cuộn giấy vệ sinh trải dài. Xà phòng giặt mang ý nghĩa tài sản, "phúc" trong nhà sẽ ngày một nảy nở, sinh sôi như khi ta hòa xà phòng trong nước vậy. Gần đây người ta còn tặng cây cảnh có thể trồng trong nhà và những đồ ăn uống như: hoa quả, 한우 (Han-u. thịt bò Hàn cao cấp), bánh ga tô và rượu vang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét